Sỡ hữu trí tuệ
BÀI HỌC VỀ BẢO VỆ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA
09:15 22/10/2013
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm vừa ký ban hành Thư khuyến cáo số 0967/PLX-PR gửi Công ty CPTM Việt Cửu Long, yêu cầu chấm dứt sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex tại website http://vietcuulong.com. Ngoài ra, thư khuyến cáo này cũng đã được Petrolimex gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương để báo cáo, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu.

 Câu chuyện “bị đánh cắp” nhãn hiệu của Petrolimex một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xăng dầu.

Từ việc bị đánh cắp nhãn hiệu

Theo nội dung thư khuyến cáo của Petrolimex thì trong thời gian qua, trên website của Công ty CPTM Việt Cửu Long có trụ sở tại địa chỉ: Số 51, ngõ 164 Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, đã sử dụng logo Petrolimex (theo quy chuẩn mới, do Petrolimex làm chủ sở hữu, đã được pháp luật bảo hộ tại văn bằng số 147301) tại trang chủ và tất cả các trang trong của website. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có thư khuyến cáo yêu cầu Công ty CPTM Việt Cửu Long phải xóa bỏ các dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex ra khỏi website nói trên. 

Việc làm trên của Cty CPTM Việt Cửu Long đã gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của tập đoàn, tạo sự nhầm lẫn cho người dân, ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. 

Qua tìm hiểu được biết, đây không phải lần đầu tiên Tập đoàn xăng dầu Petrolimex bị nhái nhãn hiệu mà trước đó, nhãn hiệu Petrolimex cũng đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng và sử dụng trái phép một cách phổ biến. Theo báo cáo từ Tập đoàn Petrolimex, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 1.006 cửa hàng xăng dầu xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Petrolimex.

Các hành vi vi phạm này khá phức tạp. Nhiều cửa hàng không liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu với Petrolimex nhưng vẫn sử dụng nhãn hiệu của Petrolimex. Trong đó có 625 cửa hàng xăng dầu của 503 doanh nghiệp (DN) đã chấm dứt quan hệ đại lý, tổng đại lý với Petrolimex nhưng không tháo dỡ các dấu hiệu nhận diện của Petrolimex; 381 cửa hàng của 381 DN chưa bao giờ làm đại lý, tổng đại lý của Petrolimex nhưng tự ý sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex. Đặc biệt, còn có doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, nghĩa là không bán xăng do Petrolimex cung cấp nhưng lại treo biển hiệu và hình ảnh logo của Petrolimex.

Mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin Cty CP xăng dầu Nam Anh ở Hà Nội có hành vi gian lận khi bán xăng dầu cho khách hàng. Đáng chú ý là cty này chưa bao giờ là đại lý của Petrolimex nhưng lại mang dấu hiệu nhận diện Petrolimex (logo dán tại cột bơm và bảo hộ lao động), điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như uy tín thương hiệu của Petrolimex. 

Tại Hải Phòng, theo báo cáo của Cty xăng dầu khu vực 3, trong 6 tháng đầu năm 2013, công ty đã tiến hành khảo sát và phát hiện hàng chục cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các đại lí, tổng đại lí của công ty đang sử dụng hình ảnh logo của Petrolimex không đúng hoặc sử dụng khi chưa được phép của nhà cung cấp. Trạm cấp phát xăng dầu Quảng Đông nằm tại khu vực bến xe khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng là một ví dụ. 

Trên thực tế, trạm xăng dầu này sử dụng hình ảnh của Tập đoàn Petrolimex trên biển hiệu nhưng logo dán tại cột bơm lại là hình ảnh của xăng dầu Pitex? Hoặc trường hợp của Công ty CPTM An Thúy, địa chỉ ở số 12/58 đường vòng Vạn Mỹ, có cây xăng tại khu vực tuyến đường 10 thị trấn An Lão, đã ngang nhiên vi phạm bản quyền biển báo mặt hàng kinh doanh và sử dụng logo Petrolimex khi chưa được phép. 

Bên cạnh đó, Cty xăng dầu khu vực 3 cũng đã tiến hành nhắc nhở và yêu cầu sửa chữa sai phạm đối với một số cửa hàng xăng dầu vi phạm dấu hiệu nhận diện của tập đoàn như: Cây xăng Hoàng Xá ở thị trấn Tiên Lãng; cửa hàng xăng dầu thuộc Cty cổ phần vận tải ô tô số 1 ở phường Quán Toan, quận Hồng Bàng; cửa hàng xăng dầu Cty CPTM và DV Việt Hùng vi phạm về hình ảnh nhận diện… Đến nay, cả 3 cửa hàng trên đã khắc phục và sửa chữa sai phạm.

Đến chủ động bảo vệ nhãn hiệu

Ông Nguyễn Thế Cường - Phó trưởng phòng kinh doanh Cty xăng dầu khu vực 3 cho biết: Nhãn hiệu là dấu hiệu nhận diện hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực; giúp khách hàng nhận biết, lựa chọn đúng hàng hóa/dịch vụ, nhà sản xuất/cung cấp, qua đó sẽ tạo lập thị trường lành mạnh để kinh doanh, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bị chọn nhầm hàng hóa/dịch vụ và nhà sản xuất/cung cấp. 

Điều này đặc biệt quan trọng đối với xăng dầu vì đây là mặt hàng lỏng, không bao bì, có thể pha trộn, khó xác định sự khác biệt chất lượng bằng mắt thường. Do đó, phần lớn người tiêu dùng thường chọn mua xăng dầu dựa trên niềm tin đối với nhà cung cấp. 

Đó chính là sự khác biệt giữa xăng dầu với các hàng hóa khác có bao bì. Chính vì vậy, trong quản lý xăng dầu, nhà nước quy định mỗi doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu chỉ được làm đại lý cho một doanh nghiệp đầu mối và việc bảo vệ nhãn hiệu là vô cùng quan trọng.  

Quay lại việc Công ty CPTM Việt Cửu Long đã vi phạm nhãn hiệu của Petrolimex, sau khi nhận được thư khuyến cáo từ tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, lãnh đạo Công ty CPTM Việt Cửu Long đã gửi bản cam kết chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Petrolimex do Giám đốc Công ty Phan Văn Thịnh ký. Từ câu chuyện của Cty CPTM Việt Cửu Long, ngày 1-8 vừa qua, lãnh đạo Petrolimex đã gửi công văn yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ nhãn hiệu Petrolimex.

Đặc biệt, phải coi công tác này là việc làm thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Bảo vệ nhãn hiệu là tự bảo vệ quyền của mình, bên cạnh đó cũng là góp phần bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Theo văn bản số 1001/PLX-PR ngày 1-8-2013, Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị rà soát, chấn chỉnh ngay công tác sử dụng nhận diện thương hiệu Petrolimex ở khối các công ty cổ phần, tại các cơ sở liên doanh liên kết có kinh doanh bán lẻ xăng dầu. 

Cụ thể, tất cả các đại lý, tổng đại lý do Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex cung cấp đều phải có chữ “ĐẠI LÝ” ở phía dưới logo. Chỉ cửa hàng xăng dầu thuộc các công ty xăng dầu (CTXD) thì mới được phép sử dụng logo không có chữ “ĐẠI LÝ”. Các trường hợp sử dụng logo chưa có chữ “ĐẠI LÝ”, các CTCP phải thay thế ngay bằng loại có chữ “ĐẠI LÝ”.

Về bảo hộ lao động Petrolimex - không trang bị cho đại lý, tổng đại lý. Nếu công ty cổ phần đã trang bị thì phải thu hồi ngay. Nếu đại lý, tổng đại lý tự trang bị thì công ty cổ phần đề nghị đại lý, tổng đại lý chấm dứt ngay việc sử dụng bảo hộ lao động Petrolimex (kể cả theo quy chuẩn cũ và theo quy chuẩn mới). 

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Petrolimex cũng nhắc nhở các đơn vị hoàn thành ứng dụng hệ thống nhận diện thương hiệu Petrolimex mới trên toàn hệ thống trước ngày 1-1-2014; đồng thời, chủ động đẩy mạnh công tác bảo vệ nhãn hiệu đạt hiệu quả. Kể từ ngày 1-1-2014, toàn tập đoàn chấm dứt sử dụng nhãn hiệu cũ (nhưng vẫn duy trì quyền sở hữu để tránh bị lạm dụng). 

Ngoài ra, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng đã có khuyến cáo đối với người tiêu dùng nên thận trọng khi mua xăng dầu, cần tìm đến những địa chỉ tin cậy hoặc những đại lý lớn có in hình ảnh logo chuẩn của Petrolimex.

Hỗ trợ trực tuyến
HOTLINE KẾ TOÁN: 091 644 1080 (ZALO)Hỗ trợ
Chăm sóc
khách hàng
0978 651 315
Hỗ trợ
Quảng cáo
  • 3
  • 2